Phòng khám Tiêu Hóa & Gan Mật - Bác sĩ Nguyễn Hữu Chung
  • Trang chủ
  • Tiến sĩ - Bác sĩ NGUYỄN HỮU CHUNG
  • Thực quản - dạ dày - đại tràng
  • VIÊM GAN - XƠ GAN
Hình ảnh
  • Bien hieu
  • hn5
  • Hội nghị AOCC 2017
Thống kê
Đang truy cập 1
Truy cập hôm nay 1434
Truy cập tuần này 8141
Truy cập tháng này 135216
Tổng lượt truy cập 2197755
Webmau.vn

Viêm gan B

  • Facebook
  • Google +
  • Twitter
  • Pinterest
 Người khám bệnh Gan sẽ được giải thích rõ: tình trạng chức năng gan hiện tại (gan còn tốt hay không), giai đoạn bệnh, và các vấn đề liên quan điều trị
 
PHÒNG KHÁM TIÊU HÓA - GAN MẬT
TS.BS. NGUYỄN HỮU CHUNG
 
Lịch khám: Các buổi Sáng thứ 2,3,4,5,6, thứ 7, chủ nhật. Làm từ 6h30 sáng.

ĐỊA CHỈ PHÒNG KHÁM

Tại 476 Vĩnh Viễn, quận 10
TP Hồ Chí Minh
 
Điện thoại: 0981 6300 68
 
 
 
 
Virus là gì? 
 
Virus (hay còn gọi là siêu vi, siêu vi khuẩn hay siêu vi trùng) là một tác nhân truyền nhiễm chỉ có thể được nhân lên khi ở trong tế bào sống của sinh vật khác. Virus có thể xâm nhiễm vào tất cả các dạng sinh vật, từ động vật, thực vật, cho tới các vi khuẩn.
 
Virus viêm gan là gì?
 
Có một số loại virus khi xâm nhập vào cơ thể người thì chủ yếu tác động lên các tế bào gan. Các loại virus này lần lượt được đặt tên theo kí tự chữ cái là virus viêm gan A, B, C, D, E, ... Ngoài ra, còn một số loại virus khác có thể gây tổn thương cho các tế bào gan như virus Herpes Zoster, Cytomegalo virus, Epstein Bar, ...
 
Virus viêm gan A, E thường chỉ gây tổn thương gan cấp tính (bệnh diễn tiến nhanh, nhưng thường không gây nguy hiểm, ít khi gây tử vong, người bệnh hồi phục sức khỏe sau vài tuần), không chuyển thành mạn tính (nhiễm virus > 6 tháng).
 
Virus viêm gan B, C, D có thể gây viêm gan cấp tính, nhưng thường chuyển sang mạn tính (bệnh kéo dài >6 tháng). Đặc biệt là virus viêm gan D chỉ tồn tại ở người đồng thời nhiễm virus viêm gan B.
 
Viêm gan virus B, C, D có nguy hiểm không?
 
Nguy hiểm. Vì ở những người mắc bệnh mạn tính nếu không được phát hiện - theo dõi - điều trị phù hợp thì có thể diễn ra tình trạng tổn thương các tế bào gan một cách âm ỉ (ít khi biểu hiện triệu chứng rõ rệt), dần dần gan bị tổn thương ngày càng nặng, dẫn tới xơ gan với nhiều biến chứng, ung thư gan, và tử vong.
 
 
Vì sao nhiều người bị bệnh gan nhưng không cảm thấy có triệu chứng gì bất thường?
 
Gan là cơ quan có khối lượng lớn nhất của cơ thể. Trong gan có hàng tỉ tế bào gan. Khi một số tế bào gan bị tổn thương thì những tế bào gan bình thường còn lại (rất nhiều) vẫn hoạt động, nên vẫn đảm bảo chức năng của cả cơ thể. Do đó, người bị bệnh gan thường ít triệu chứng (mặc dù gan đã và đang bị tổn thương âm ỉ trong nhiều năm).
 
Đặc điểm quan trọng của virus viêm gan B là gì?
 
Sau khi xâm nhập vào tế bào gan của người bệnh, vật chất di truyền (gen) của virus viêm gan B sẽ tiếp tục xâm nhập vào trong nhân tế bào gan, rồi được gắn lên nhiễm sắc thể (bộ gen) của người. Chính vì vậy, cho đến nay, viêm gan B là bệnh chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn, mà chỉ có khái niệm "tạm khỏi".
 
Thế nào là nhiễm virus viêm gan B đã "tạm khỏi"?
 
Ở một số người, sau khi bị virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể, thì trong vòng 6 tháng từ khi nhiễm bệnh (ở người mới nhiễm virus) hoặc ở một số người bị nhiễm virus mạn tính (lâu hơn 6 tháng) dưới diễn biến tương tác tự nhiên giữa cơ thể người bệnh với virus / hoặc nhờ tác động của điều trị bằng thuốc, thì cơ thể của người đó tổng hợp ra được kháng thể (Anti-HBs) để giúp cơ thể chống lại virus, khống chế được sự nhân đôi của virus, làm cho virus luôn luôn bị kiểm soát. Do đó, những người này được coi như "tạm khỏi".
 
Tuy nhiên, những người này vẫn luôn cần được theo dõi lâu dài bởi bác sĩ chuyên khoa gan, vì vào thời điểm nào đó, khi hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu ( bệnh nặng, dùng thuốc ức chế miễn dịch như Corticosteroid, điều trị lao, hóa trị liệu ung thư, ... ) thì virus có thể tái hoạt động trở lại, thậm chí bùng phát lên gây tổn thương gan dữ dội.
 
 
Virus viêm gan B lây truyền như thế nào?
 
Viêm gan B lây truyền khi máu, tinh dịch, hoặc dịch cơ thể khác (đã nhiễm virus viêm gan B) xâm nhập vào cơ thể người chưa bị nhiễm. Có thể bị nhiễm virus viêm gan B khi:
  • Khi sinh (lây truyền virus từ người mẹ đã nhiễm virus viêm gan B sang cho con trong khi sinh)

  • Quan hệ tình dục với người đã nhiễm virus viêm gan B

  • Dùng chung kim tiêm, hoặc thiết bị tiêm thuốc khác với người nhiễm virus viêm gan B

  • Dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng với người nhiễm virus viêm gan B

  • Tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các vết thương hở của người nhiễm virus viêm gan B

  • Tiếp xúc với các vật sắc nhọn có dính máu của người nhiễm virus viêm gan B 

 
Ai có nguy cơ nhiễm virus viêm gan B?
  • Những trẻ sơ sinh từ mẹ bị nhiễm virus viêm gan B
  • Những người có nhiều bạn tình
  • Người có bạn tình/ vợ / chồng bị nhiễm virus viêm gan B
  • Người có quan hệ đồng tính nam
  • Người tiêm chích thuốc (ma túy)
  • Nhân viên y tế hoặc nhân viên an ninh xã hội có tiếp xúc với máu, hoặc dịch cơ thể có dính máu của người nhiễm virus viêm gan B
  • Những bệnh nhân lọc máu định kì
 
Triệu chứng của viêm gan B ?
 
Sự xuất hiện của các triệu chứng dao động theo độ tuổi. Hầu hết trẻ dưới 5 tuổi, hoặc những người trưởng thành bị ức chế miễn dịch mới mắc bệnh thì đều không biểu hiện triệu chứng. Trong khi đó, khoảng 30-50% người độ tuổi ≥ 5 thì biểu hiện những dấu hiệu, triệu chứng ban đầu, có thể bao gồm:
  • Mệt mỏi
  • Chán ăn
  • Nôn ói                                    
  • Mắc ói
  • Vàng da
  • Nước tiểu sậm màu                               
  • Phân bạc màu
  • Sốt                                        
  • Đau bụng                                                             
  • Đau khớp
 
Kể từ khi bị nhiễm virus viêm gan B, sau bao lâu thì xuất hiện triệu chứng?
 
Thông thường, triệu chứng xuất hiện sau 90 ngày (3 tháng). Tuy nhiên, triệu chứng bệnh có thể biểu hiện trong khoảng thời gian từ 6 tuần - 6 tháng kể từ khi nhiễm virus viêm gan B.
 
Các triệu chứng viêm gan B cấp tính kéo dài trong bao lâu?
 
Triệu chứng thường kéo dài vài tuần. Nhưng cũng có những bệnh nhân viêm gan B cấp có biểu hiện triệu chứng kéo dài tới 6 tháng.
 
Người bị viêm gan B không có triệu chứng liệu có thể lây bệnh cho người khác không?
 
Có. Nhiều người bị viêm gan B mà không có triệu chứng. Tuy nhiên, những người này vẫn có thể lây bệnh cho người khác.
 
Viêm gan siêu vi B mạn biểu hiện (triệu chứng) như thế nào ?
 
Một số bệnh nhân duy trì những biểu hiện (triệu chứng) tương tự như viêm gan B cấp. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân viêm gan B mạn tính không có biểu hiện triệu chứng nào trong khoảng 20-30 năm.
 
Khoảng 15-25% bệnh nhân viêm gan B mạn sẽ bị những biến chứng nặng nề về gan như xơ gan, ung thư gan. Kể cả khi mới bị xơ gan giai đoạn sớm, nhiều bệnh nhân vẫn chưa thấy biểu hiện triệu chứng gì, mặc dù khi đó các xét nghiệm chức năng gan đã có biểu hiện bất thường.
 
Làm sao để biết tôi có bị viêm gan B hay không?
 
Do viêm gan B thường không biểu hiện triệu chứng, nên để biết có bị viêm gan B hay không thì cần tới các trung tâm y tế, bệnh viện để được làm một số xét nghiệm máu. Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể cho bạn biết
  • Bạn bị viêm gan B cấp tính hay mãn tính
  • Hoặc bạn đã từng nhiễm virus viêm gan B nhưng đã tự khỏi bệnh
  • Hoặc bạn đã có miễn dịch (có kháng thể) chống lại virus viêm gan B nên không cần chích ngừa
  • Hoặc bạn cần phải đi chích ngừa virus viêm gan B
 
Viêm gan B mạn tính có nguy hiểm không?
 
Viêm gan B mạn tính là bệnh nguy hiểm, vì có thể dẫn tới xơ gan, ung thư gan và tử vong.
 
Điều trị viêm gan B cấp như thế nào?
 
Trong giai đoạn bị viêm gan B cấp, người bệnh cần được nghỉ ngơi, dinh dưỡng hợp lý. Một số bệnh nhân cần nhập viện. Một số trường hợp cần dùng thuốc điều trị - điều này được quyết định bởi bác sĩ chuyên khoa Gan.
 
Điều trị viêm gan B mạn như thế nào?
 
Người bị viêm gan B mạn cần được theo dõi định kì bởi bác sĩ chuyên khoa Gan. Việc theo dõi định kì là cực kì quan trọng.
 
Không phải trường hợp nào cũng phải uống thuốc. Tùy thuộc tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn sử dụng thuốc để điều trị khi cần. Hiện nay có những thuốc điều trị viêm gan B mạn rất hiệu quả.
 
  • Điều trị bằng thuốc uống

 

  • Điều trị bằng thuốc chích

 

  • Điều trị phối hợp thuốc uống và thuốc chích (nêu trên)

 

Sử dụng liệu pháp điều trị nào là tốt nhất ?

 

Đây là vấn đề cần cân nhắc thận trọng. Tùy từng trường hợp bệnh nhân cụ thể, bác sĩ sẽ quyết định liệu pháp điều trị nào là thích hợp nhất tại thời điểm hiện tại. Việc lựa chọn đúng liệu pháp điều trị không chỉ đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất, mà còn tránh tổn thất chi phí điều trị cho bệnh nhân.

 
Tại sao có bệnh nhân mang virus viêm gan B mà bác sĩ lại không kê thuốc gì?
 
Khi virus xâm nhập vào gan, sẽ diễn ra sự tương tác giữa virus và cơ thể, do đó người mang virus viêm gan B có thể trải qua nhiều giai đoạn bệnh khác nhau: có giai đoạn không phải uống thuốc, có giai đoạn phải uống thuốc hoặc chích thuốc để điều trị.
 
Nếu bệnh nhân đang ở giai đoạn không phải uống thuốc thì cần tái khám định kì mỗi 3-6 tháng, để làm các xét nghiệm cần thiết đánh giá tình trạng bệnh, khi thấy bệnh chuyển sang giai đoạn cần phải điều trị bằng thuốc thì được điều trị kịp thời, tránh để trễ dẫn tới xơ gan, ung thư gan và tử vong. Việc nhận định chính xác thời điểm cần điều trị là vấn đề tương đối phức tạp, đòi hỏi người thầy thuốc phải cân nhắc rất tỉ mỉ.
 
Người bệnh đang ở giai đoạn không phải uống thuốc thì cần tuyệt đối hạn chế rượu bia, tránh sử dụng các thuốc chứa CORTICOSTEROID, không tự ý dùng các thuốc cây-cỏ mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
 
Vì sao các thuốc chứa CORTICOSTEROID lại nguy hiểm đối với người bị viêm gan B mạn tính?
 
Corticosteroid gây ức chế hệ thống miễn dịch. Khi sử dụng các thuốc này (trừ dạng bôi ngoài da) thì đều có nguy cơ làm suy giảm cơ chế miễn dịch kiểm soát virus viêm gan B, khiến cho virus viêm gan B tái hoạt động hoặc thậm chí bùng phát lên, gây nguy hiểm cho người bệnh.
 
Làm sao để có thể tránh sử dụng thuốc CORTICOSTEROID ?
 
Đây đúng là vấn đề mà rất nhiều bệnh nhân cần biết. Thực tế, nếu không phải là người làm trong lĩnh vực y - dược, thì người bệnh sẽ khó có thể nhận biết đầy đủ đâu là loại thuốc có chứa Corticosteroid.
 
Thông thường, tôi sẽ ghi rõ lời dặn trên toa thuốc: " Không sử dụng các thuốc chứa Corticosteroid", và dặn bệnh nhân rằng, bất cứ khi nào đi khám bệnh, hoặc đi mua thuốc, thì đều cầm theo toa thuốc của tôi, và chủ động chỉ vào lời dặn trên, nhằm mục đích nhắc các bác sĩ và người bán thuốc cần tránh không kê bất kì thuốc nào có chứa Corticosteroid.
 
Đặc biệt là khi bệnh nhân bị ho, viêm họng, hoặc đau khớp, ... là những trường hợp "dễ bị" kê toa có các thuốc trên.
 
Vì sao người bệnh không nên sử dụng các loại thuốc cây cỏ, thuốc đông y không rõ nguồn gốc?
 
Một số loại thuốc cây cỏ, thuốc đông y không rõ nguồn gốc cũng có thể chứa Corticosteroid dưới dạng chưa chiết xuất, cũng gây nguy cơ tương tự như các loại thuốc Tây Y chứa Corticosteroid. Ngoài ra, các loại cây cỏ, thuốc đông y không rõ nguồn gốc còn có nguy cơ gây viêm gan cấp do thuốc.
 
 
Người bị viêm gan B mạn tính phải làm thế nào để bảo vệ tốt lá gan của mình?
 
Những người bị việm gan B mạn tính cần được theo dõi thường xuyên bởi bác sĩ có kinh nghiệm trong lĩnh vực viêm gan. Nên tránh uống rượu bia (để hạn chế tổn thương thêm cho gan). Khi dùng thêm bất cứ thuốc gì cũng cần được tư vấn bởi bác sĩ, để tránh những thuốc gây hại cho gan, đặc biệt là các thuốc chứa CORTICOSTEROID.
 
 
Viêm gan virus B có phòng ngừa được không ?
 
Có. Nếu chưa bị nhiễm virus thì việc tiêm ngừa viêm gan B (tiêm vaccine ngừa virus viêm gan B) là một biện pháp kích thích cơ thể chủ động tổng hợp sẵn các kháng thể chống lại virus viêm gan B. Điều này giúp ngăn ngừa việc bị lây nhiễm virus viêm gan B sau này.
 
Hiện nay, việc tiêm ngừa virus viêm gan B được áp dụng rộng rãi, trong chương trình tiêm chủng quốc gia cho mọi trẻ em sau khi sinh. Đây là biện pháp rất hiệu quả, đã và đang giúp giảm tỉ lệ người nhiễm virus viêm gan B mới.
 
 
PHÒNG KHÁM TIÊU HÓA - GAN MẬT
TS.BS. NGUYỄN HỮU CHUNG
 
Lịch khám: Các buổi Sáng thứ 2,3,4,5,6, thứ 7, chủ nhật. Làm từ 6h30 sáng.

ĐỊA CHỈ PHÒNG KHÁM

Tại 476 Vĩnh Viễn, quận 10
TP Hồ Chí Minh
 
Điện thoại: 0981 6300 68
 

Để lại bình luận

Bác sĩ Nguyễn Hữu Chung
Nội Tiêu Hóa - Gan Mật
476 Vĩnh Viễn, phường 8, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Điện Thoại: 0981 63 00 68

Nhận email
0981 63 00 68
Copyright © 2015-16 Phòng khám Tiêu Hóa & Gan Mật - Bác sĩ Nguyễn Hữu Chung. Powered by webmau.vn